Từ xưa, người Việt đã rất thích dùng lá dứa trong các món bánh truyền thống, nhất là đối với người dân miền Tây. Lá dứa có mùi thơm đặc trưng, gần giống như vani vậy nên rất được các thợ làm bánh tận dụng để tạo hương.
Bánh lọt
Bánh lọt là một món ăn vặt mùa hè được người miền Tây yêu thích nhất. Bánh lọt lá dứa được làm từ bột gạo, bột năng, bột sắn, nước cốt lá dứa, nước lọc... Hỗn hợp nguyên liệu được khuấy đều trên lửa nhỏ đến khi chín, dẻo. Sau đó, ép bột "lọt" qua khuôn, rây... và ngâm vào nước lạnh để tạo hình sợi bánh. Một ly bánh lọt pha thêm nước đường, nước cốt dừa và một ít đá lạnh dù giản dị nhưng lại dễ gây nghiện. Và cũng có thể thêm chút đậu xanh, hạt lựu,... làm món chè bánh lọt giải nhiệt ngày nóng.
Bánh bò
Bánh bò là loại bánh xốp làm từ bột gạo lên men, mặt bánh có nhiều lỗ khí, rất mềm và thơm. Để món ăn thêm phần hấp dẫn và bắt mắt hơn, người làm bánh đã sử dụng lá dứa để tạo mùi hương và màu xanh tự nhiên. Bánh bò lá dứa có thể được nướng hoặc hấp và ăn kèm nước cốt dừa.
Bánh cuốn ngọt
Khác với món bánh cuốn mặn nhân thịt băm, nấm mèo, ăn với nem, chả... của miền Bắc, thành phần cơ bản của bánh cuốn ngọt miền Tây gồm lớp bột gạo tráng mỏng, gói nhân đậu xanh, dừa bào bên trong. Lá dứa được cho vào bột bánh để món ăn có màu đẹp mắt, hương thơm nhẹ. Khi thưởng thức, bạn có thể thêm nước cốt dừa, đường, muối, mè rang...
Bánh đúc
Bánh đúc được biết đến như một món ăn đặc trưng thời khốn khó của miền Bắc. Và khi vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê. Nguyên liệu làm bánh toàn từ những sản vật quê nhà như bột gạo, bột năng, lá dứa xay nhuyễn lọc nước, nước tro tàu… Bánh đúc ngon là khi nấu phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay để cho ra thành phẩm có độ dai giòn cùng những đường gân nổi lên”đúng chuẩn”. Để thưởng thức bánh đúc nhất định phải có nước đường thắng, thêm ít mè, đậu phộng rang cho vị ngọt ngào mà thơm bùi.
Bánh da lợn
Nhắc đến bánh ngon có màu xanh thì không thể không nhắc đến món bánh có cái tên gọi khá vui tai với vị ngọt béo thơm lừng lan toả nơi đầu lưỡi – bánh da lợn. Điểm đặc trưng của chiếc bánh da lợn là phải có nhiều lớp trồng lên nhau xen kẽ 2 màu xanh từ lá dứa và vàng của đậu xanh tách vỏ, chia tầng rõ rệt như phần bì lợn nên gọi là bánh da lợn. Cắn một miếng bánh dẻo thơm, hòa cùng vị bùi bùi của nhân đậu xanh, nước dừa béo ngậy, lá dứa thơm nhè nhẹ, rồi uống một ngụm trà thơm nóng sẽ khiến người ăn nhớ mãi.
Xem thêm: Về miền Tây ‘săn’ hoa súng mùa nước nổi
Tổng hợp
Quảng cáo
Không có nhận xét nào: