Những điểm du lịch thách thức du khách Việt

Trái ngược với những phút giây thư giãn thường thấy của một chuyến du lịch, nhiều người lại lựa chọn hành trình đầy mạo hiểm khi quyết định chinh phục đỉnh Pha Luông, thác Datanla hay khao khát vượt qua chặng đường đầy thử thách để ngắm bình minh ở Mũi Đôi…

Đỉnh Pha Luông (Mộc Châu)


Đỉnh Pha Luông hun hút cách Mộc Châu chừng 40 km, thuộc xã Tân Xuân, huyện Chiềng Xuân, nằm trong vùng núi cùng tên tiếp giáp biên giới Việt – Lào.

Có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, con đường chinh phục Pha Luông chẳng hề dễ dàng chút nào với dốc lên thăm thẳm và rừng sâu âm u không ánh mặt trời. Chỉ có dân phượt “chính hiệu” hay người thực sự gan dạ mới đủ dũng cảm để thực hiện hành trình này.

Khác với cung đường của các đỉnh núi khác như Fansipan, Tà Chì Nhù, Pu Si Lung,… Pha Luông hầu như chỉ có dốc cao mà không có đoạn để phục hồi sức lực. Những con dốc nhỏ cứ nối nhau dài mãi. Thi thoảng, bạn sẽ phải bám vào rễ cây, đu mình và di chuyển bằng… mông để vượt qua quãng đường khó nhằn.

Nếu đi nhanh, bạn sẽ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để lên đỉnh núi Pha Luông. Nhìn từ trên cao xuống, cả núi rừng Tây Bắc như nhỏ lại trong tầm mắt, làn sương mờ trắng bay từ phía dưới đồi hững hờ ngang qua, khiến ta có cảm tưởng như mình đang ở chốn tiên cảnh.

Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)


Nằm ở độ cao 2419m, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất Đông Bắc và là một trong những điểm đến “khó nhằn” nhất của phượt thủ.

Đường lên Tây Côn Lĩnh trắc trở, khó khăn hơn bao giờ hết vì nơi đây chưa có tuyến đường mở rộng. Tuy liên tiếp có những ngã rẽ khác nhau nhưng chẳng hề có một tín hiệu chỉ đường. Thêm vào đó, vách ngăn cheo leo, đường mòn hiểm trở, rừng rậm bao quanh chứa đựng nhiều hiểm nguy,… cũng là thách thức mà Tây Côn Lĩnh đưa ra để cho những ai đủ gan dạ mới có thể chinh phục được mảnh đất thiêng liêng của người La Chí.

Trên chặng đường đến điểm đích, thi thoảng du khách sẽ ngửi thấy hương chè shan tuyết như quấn quýt bước chân, tiếp thêm sức mạnh. Để rồi khi đối mặt với dãy núi sừng sững cao nhất Đông Bắc, bạn sẽ không khỏi tự hào về chặng đường đã qua.


Thác Datanla (Lâm Đồng)


Thác Datanla nằm tựa mình trên đèo Prenn – một trong những cung đèo thơ mộng nhất Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Nam. Thác nằm ở nơi thượng nguồn có độ cao hơn 20 mét nên dòng chảy lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội luồn qua các ghềnh đá tung bọt trắng xóa.

Đa phần du khách đến đây sẽ bị thu hút bởi các hoạt động mạo hiểm hay trò chơi cảm giác mạnh như đu dây, trượt thác… Sau khi tự mình vượt qua các trải nghiệm, bạn sẽ khám phá trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của con thác này.

Ở hoạt động đu dây, người chơi sẽ được hướng dẫn theo từng mức độ khác nhau. Ban đầu sẽ là tập vượt thác khô từ 15-18m, tiếp đó là thác nước ngắn rồi thác nước cao 25m. Độ khó sẽ tăng dần và mang đến cho du khách cảm giác vừa lo sợ, vừa phấn khích.

Với trải nghiệm trượt thác, du khách không chỉ phải làm quen với cảm giác chênh vênh khi đứng giữa dòng vách đá dựng đứng mà còn phải đối diện với dòng nước xiết xối thẳng vào mặt, vào người.

Nhà nguyện dòng Franciscaines (Đà Lạt)


Tu viện đầy bí ẩn nằm trên đường Hùng Vương, TP. Đà Lạt đang là điểm đến hấp dẫn nhiều người. Nơi đây khiến người ta tò mò bởi nét kiến trúc nguyên sơ bị tàn phá, phủ màu rêu mốc và những câu chuyện ma mị thêu dệt theo thời gian.

Nhà nguyện nằm trên một quả đồi nhỏ, bao bọc bởi trong hàng thông xanh mướt. Lớp trầm tích của thời gian với mái ngói phủ rêu, những dãy hành lang âm u, lối đi mọc đầy cỏ dại... đã khiến nơi này được phủ lên sắc màu cổ kính. Chính bối cảnh ấy đã khiến nhiều bạn trẻ “đánh liều” tìm đến để chụp được những bức ảnh độc đáo.

Nhà nguyện có kiến trúc kết hợp giữa phương Tây và phương Đông. Hệ thống mái ngói kiểu phương Đông được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ. Những ô cửa sổ và cửa chính mang đậm bóng dáng kiến trúc Gothic đặc trưng của phương Tây với mái vòm.

Mũi Đôi (Khánh Hòa)


Mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam, là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ nước ta. Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

Để đến được đây, bạn sẽ phải vượt qua đoạn đường đầy khắc nghiệt với 4km đường đồi cát nóng gắt và khoảng 7km đường rừng núi. Quãng đường 4km đồi cát tuy không quá dài nhưng do cát lún cộng với thời tiết nắng nóng của dải đất miền Trung khiến nhiều người đuối sức và dễ bỏ cuộc. Du khách sẽ mất từ 2 - 2,5 tiếng để hoàn thành quãng đường này.

Tiếp đến là 7km đường đồi, rừng núi. Quãng đường này có 2 quả núi cao nhất với đoạn dốc đầy hiểm trở, còn lại đường khá bằng phẳng, dễ đi. Đi trong rừng dưới thời tiết nóng lại không có gió mát khiến bạn kiệt sức, nhanh mệt mỏi nếu không biết cách điều hòa.

Sau một đêm nghỉ ngơi tại Bãi Rạng, sáng sớm hôm sau, du khách cần vượt ghềnh đá khoảng 2km để ra Mũi Đôi đón ánh bình minh đầu tiên. Ánh mặt trời mỗi lúc một đỏ rực, bao quanh là những đám mây ráng hồng khiến khung cảnh thêm thơ mộng, đẹp đến nao lòng.

Được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp hiếm có này, bao mệt mỏi, vất vả của chặng đường đã trải qua dường như đều tan biến hết.

Theo Hoàng Ngọc
Quảng cáo

Related Posts
© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger