Nếu như Old Bagan được gọi là bình nguyên lửa bởi những chiều hoàng hôn đỏ rực thì Mandalay lại là “vùng đất giấu ngọc” khơi gợi ham muốn khám phá của những kẻ lữ hành khi du lịch đến Myanmar.
Săn hoàng hôn giữa những cơn mưa
Men theo những con đường nhỏ hẹp chìm lấp giữa cánh đồng hoa vàng ruộm, qua rất nhiều đền tháp ẩn hiện sau tàng cây, chúng tôi phải vặn hết tốc lực mới mong bắt kịp Chen Chen.
Chừng 10 phút sau, Chen dẫn cả nhóm tấp vào cổng một ngôi chùa như bị bỏ hoang từ lâu. Cậu nhắc chúng tôi tháo giày dép để lại bên ngoài, rồi bật đèn pin soi đường cho cả nhóm lần theo lối cầu thang nhỏ, dốc và tối thui trong lòng tháp dẫn lên khoảng sân rộng trên đỉnh. Nhanh nhẹn lấy tay gạt sạch bụi trên bờ tường, Chen soạn một chỗ ngồi để tôi vắt vẻo trên đó ngắm hoàng hôn. Sự nhiệt tình, tốt bụng của cậu choai bản địa chỉ từ một lời hứa tình nguyện dẫn đường khiến tôi cảm mến.
Theo hướng tay Chen chỉ là những vệt nắng hồng rực như hàng loạt lưỡi gươm nung xuyên qua lớp mây dày nặng trịch. Đúng như lời cậu hứa: “Đừng sợ cơn mưa lớn che khuất mặt trời. Có nhiều nơi ở Old Bagan này để du khách ngắm hoàng hôn ngay cả giữa cơn mưa”. E chúng tôi còn ngờ vực, sau vài phút dừng chân tại “khán đài” đầu tiên, Chen lại giục giã cả đoàn lên đường.
Điểm ngắm tiếp theo vẫn không phải là ngôi chùa nổi tiếng Shwesandaw (nơi được giới thiệu là điểm lý tưởng để ngắm mặt trời lặn), nhưng có vẻ như là một địa điểm bí mật mới được nhiều tay phượt tinh tường phát hiện ra trên hành trình săn ánh sáng. Tại nóc chùa này, du khách có thể ngắm cùng lúc cả ba ngôi chùa vĩ đại nhất xứ Bagan: chùa to nhất, chùa cao nhất và chùa cổ nhất.
Chịu khó leo lên bục cao nhất nhìn xuống, tôi đã thấy cả vùng đất xanh và hoang sơ như đại ngàn. Hàng trăm chóp chùa ẩn hiện huyền ảo trong màn sương mỏng vấn vít các tàng cây. Thi thoảng, đàn đàn chim én, chim sẻ, quạ... như nghe tiếng động ríu rít, ào ạt bay khỏi những chiếc tổ trên lùm cây rộng lớn. Tiếng kinh cầu vang lên ru rất nhiều là chim về bên mái chuông vàng.
Với đường kính rộng tới 40 km, quy tụ hàng ngàn chùa tháp lớn nhỏ, cố đô Old Bagan là minh chứng cho một thời vàng son của vương quốc Pagan dưới sự trị vì của đức vua Tilinman vĩ đại. Để đến được nơi này, du khách chỉ việc đáp máy bay xuống thành phố Yangon, rồi sau đó là hơn 10 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ôtô trên cao tốc Yangon - Mandalay.
“Nhiều khách Tây đã ở đây cả tuần trời chỉ để săn hoàng hôn và khám phá các đền tháp. Đi vào mùa mưa, sẽ thật khó để thấy mặt trời đỏ rực, may mắn lắm cũng chỉ thu về những tia hồng như hôm nay. Do vậy, nếu muốn ngắm bình nguyên lửa Bagan, du khách phải tới vào tháng 11”, Chen Chen nói.
Nếu như Old Bagan được gọi là bình nguyên lửa bởi những chiều hoàng hôn đỏ rực, thì Mandalay lại là “vùng đất giấu ngọc” khơi gợi ham muốn khám phá của những kẻ lữ hành.
Từ Old Bagan, đi ôtô chỉ khoảng 6 tiếng là du khách đã có thể check-in cố đô Mandalay. Đây cũng là nơi tập trung nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng nhất tại Myanmar.
Từ trung tâm thành phố Mandalay, chúng tôi phải khởi hành từ 5h sáng để kịp ngắm bình minh trên đỉnh đền Mahamuni. Hàng ngàn tia sáng xuyên qua lớp mây dày hắt xuống thung lũng rộng lớn khiến Mandalay yên bình bừng sáng lấp lánh như một khối ngọc xanh tuyệt đẹp dưới ánh trời. Dạo một vòng tham quan vài ngôi chùa tọa lạc trên các vị trí đẹp xung quanh, chúng tôi quyết định di chuyển tới thăm Inwa - một trong những làng cổ nổi tiếng nằm bên sông Ayeyarwady.
Cố đô 400 năm tuổi của Myanmar đón chúng tôi bằng cung đường xanh mát với những tán cây cổ thụ khổng lồ, xanh hút mắt như trong những thước phim “Avatar” của đạo diễn James Cameron. Chỉ cách trung tâm Mandalay chừng một tiếng di chuyển bằng xe máy, nhưng dường như cuộc sống hiện đại chưa thể chạm tới nơi này.
Những mái nhà tranh nằm im lìm dưới vòm cây rộng lớn, những mái chùa cũ kỹ, những chú bò no cỏ mơ màng giấc trưa bên bờ sông…, chẳng gì có thể làm xáo động khung cảnh bình yên ấy. Tôi đã ngồi thật lâu trên băng ghế gỗ dài dưới tán một gốc phượng vĩ trăm tuổi, bên mái nhà tranh đơn sơ mà lại thấy như miền đất này đang chào đón mình với tất cả sự hào phóng, nhiệt thành.
Em gái xinh đẹp Tin Zar Aung bán hàng ở giữa làng đã thoa lên mặt tôi lớp “kem trang điểm quốc dân” Thanaka để bảo vệ làn da trong tiết trời nóng nực. Làm một cuốc xe ngựa xóc long ruột qua những con đường dăm đá để ngắm thêm lớp lớp màu xanh đan nhau dưới ánh trời lấp lánh, thăm vài sạp bán đồ thủ công mỹ nghệ nằm khiêm tốn dưới chân đền, tiếng cười tôi và nhóm bạn cứ rúc rích mãi theo vòng bánh lăn.
Nán lại Inwa tới khoảng 14h, du khách được khuyên nên dùng luôn bữa trưa tại một trong những quán ăn ngon trên đường bờ sông trước khi tiếp tục hành trình đuổi bắt mặt trời theo cung đường dẫn tới cây cầu gỗ dài nhất thế giới U Bein cách đó hơn chục cây số.
Xuyên qua những con đường đầy khói bụi, xe chúng tôi mải miết đuổi theo những ánh vàng rực rỡ để tới cầu kịp lúc hoàng hôn. Tôi mê mải ghi lại những shot hình đầu tiên, vài kiểu panorama toàn cảnh rồi chạy như bay ra giữa thân cầu, lách qua dòng người đang đổ về hướng đó, để lanh lẹ bắt một cuốc thuyền ra giữa sông Aungthaman. Đã tới U Bein, nhất định bạn phải đi thuyền để ngắm cho đã khung cảnh đẹp như tranh của nơi này dưới ánh chiều tà.
Trong hàng thế kỷ, cầu U Bein chính là đường về nhà của những người dân làng Amarapura, con đường hành hương của các vị sư mặc áo thụng dài phấp phới, và nay lại là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách bốn phương… Cảnh hoàng hôn rực đỏ trên cầu chính là ấn tượng mà bất cứ du khách nào từng chiêm ngưỡng cũng sẽ ghi nhớ mãi mãi.
Sức hấp dẫn của lòng tốt và sự tử tế
Từ Mandalay trở lại Yangon vào ngày thứ năm để kết thúc tour du lịch ngắn ngày khám phá góc nhỏ Myanmar. Không chỉ là những bữa tiệc ánh sáng để đời tại Old Bagan, Mandalay hay U Bein, Myanmar còn quá nhiều điều khiến du khách mong trở lại.
Đất nước này như một khu rừng rộng lớn. Ngay cả ở cố đô Yangon, nơi đặc sản là những con đường tắc nghẹn cả ngày thì cây cối cũng um tùm khắp nẻo. Ngoại trừ những tuyến đường chính rộng chừng như Nguyễn Chí Thanh, to hơn chút thì như Đại Cồ Việt ở Hà Nội, các nhánh đường còn lại đều như đường làng ta vậy, bé tí, quanh co, gập ghềnh gạch vụn. Giờ cao điểm, nhìn bản đồ giao thông đỏ quạch, thấy bác tài xế nỗ lực lái xe đâm hết nhánh này lại luồn qua khe khác để đưa chúng tôi tới sân bay kịp giờ mà cảm động. 3 tiếng để di chuyển 17 km, bảo sao taxi tính phí theo giờ chứ không phải theo khoảng cách.
Ở Yangon, ôtô là phương tiện chính, xe đạp bổ trợ và không có xe máy. Giao thông vậy, tôi đoán không lâu nữa chính quyền cùng nhân dân cũng sẽ phải đốn bớt cây để mở rộng thêm đường. Nhưng ít ra tới lúc này, tuyệt chưa thấy thông tin gì về quy hoạch theo hướng ấy. Người dân sống lâu như vậy cũng quen rồi, họ tập trung hơn cho các mối quan tâm khác, như làm lụng, góp tiền xây chùa và gửi trọn đức tin vào thần Phật.
Có người đã từng nói: “Một nụ cười đủ khiến du khách tương tư cả một đất nước”. Còn với tôi, Myanmar khiến tôi nhớ nhiều và mong sớm trở lại để tiếp tục thấy những nụ cười, sự thành thật và lòng tốt ở khắp nơi…
Theo Duy Hiếu - Diệp Sa
Quảng cáo