Buổi sáng tại Hội An là khoảng thời gian khá đẹp. Khi mặt trời vừa lên, những con phố cổ cũng vươn mình thức giấc. Lúc này dòng người vẫn còn thưa thớt, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp yên bình, cổ kính của những con phố nơi đây. Hình ảnh những người phụ nữ đội nón lá, gánh những gánh hàng rong, hay những chiếc xe đạp chạy thong dong trên phố, tựa như đang tái hiện lại những bức tranh kinh điển của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Chùa Cầu là một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất với nhiều khách du lịch Hội An. Ngôi chùa độc đáo này nằm trên chiếc cầu bắc qua con lạch nhỏ, nối đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai trong khu phố cổ. Công trình được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, sơn son và chạm trổ công phu. Không chỉ góp mặt trên logo TP Hội An, chùa Cầu còn xuất hiện ở mặt sau tờ tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng. Dù chưa thể xác định chính xác mốc thời gian, song người ta ước tính rằng chùa Cầu hình thành khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên cầu là Lai Viễn Kiều, tức cầu của người phương xa đến. Chùa Cầu không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Vũ, một vị thần bảo hộ cuộc sống người dân theo quan niệm dân gian ở đây.
Những ngôi nhà cổ là di sản vô giá mà Hội An gìn giữ được sau bao cuộc chiến tranh, đô thị hóa và cả sự tàn phá từ thiên nhiên. Cứ mùa mưa lũ là Hội An lụt, có năm lịch sử nước dâng cả tầng một ngôi nhà chìm trong nước. Nhưng qua bao biến cố, những ngôi nhà cổ vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu, cả về kiến trúc lẫn cái hồn. Được nhiều người biết đến nhất là nhà cổ Tân Ký, ngôi nhà đầu tiên được công nhận là di tích quốc gia ở Hội An và đây cũng là nơi từng đón tiếp nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Bên cạnh Tân Ký, còn nhà cổ Phùng Hưng, Quân Thắng… hay các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông… mang đậm kiến trúc người Hoa, được các thương nhân người Hoa xây dựng để tưởng nhớ tới quê hương họ.
Phố cổ Hội An dường như sẽ bớt lung linh hơn nếu thiếu vắng những chiếc đèn lồng giăng khắp chốn. Ngược dòng lịch sử, nghề làm đèn lồng ở Hội An chắc cũng đã trải qua 400 năm tuổi đời, nếu tính từ khi những người Hoa đầu tiên đến đây buôn bán, định cư khoảng cuối thế kỷ 16. Xã Ðường được xem là ông Tổ nghề làm đèn lồng ở Hội An. Đèn lồng Hội An được làm công phu, kết cấu chính là khung tre bọc vải, lụa đủ màu sắc, đủ hình dạng. Với dáng vẻ thanh thoát, mềm mại, người dân Hội An dùng đèn lồng trang trí khắp nơi trong phố cổ. Khi màn đêm xuống, những chiếc đèn lồng lung linh được thắp lên, đem lại vẻ đẹp huyền ảo cho di sản thế giới này.
Xem thêm: Du xuân đón Tết Hội An
Tổng hợp
Quảng cáo
Không có nhận xét nào: