Hè này rủ nhau đi Đắk Lắk thưởng cảnh bình yên

Đắk Lắk là một trong những tỉnh giàu tiềm năng về du lịch của Việt Nam vì Đắk Lắk có nhiều di tích, thắng cảnh và có truyền thống văn hóa đa dạng. Phong cảnh ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp hoang sơ của núi rừng pha lẫn sự hiện đại của phố thị. Một phố núi dịu dàng và tĩnh lặng, nhưng lại vô cùng quyến rũ bởi những dãy núi đồi hùng vĩ, những cánh rừng cà phê xanh bạt ngàn, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà sàn của người dân tộc.

Hè này rủ nhau đi Đắk Lắk thưởng cảnh bình yên

Thác Đray K’nao



Không tuôn ào ạt từ trên cao như những ngọn thác khác của cao nguyên này, dòng nước của thác Đray K’nao vặn mình uốn lượn qua những tảng đá to chắn ngang, những chùm rễ si siết chặt vào nhau như muốn tìm đến nơi nào đó mênh mông hơn, tạo nên những âm thanh hùng hồn như những khúc sử thi của vùng đất này.

Những bóng cây cổ thụ, những tảng đá san sát, rộng rãi thoải mái cho du khách ngả lưng, nghe chênh vênh đất trời, nghe chim hót, nghe nước mát rượi dưới chân.

Đá Voi Yang-tao



Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Đá Voi Yang-tao thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m và cao khoảng hơn 30m. Đá Voi Cha có kích thước nhỏ hơn: chiều dài khoảng 70m và chu vi khoảng 180m. Đá Voi Mẹ nằm sát chân núi, là một dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin. Còn đá Voi Cha cách đó khoảng 5km về hướng Nam, nằm giữa một cánh đồng.

Cầu treo Buôn Đôn



Cầu treo Buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn. Cầu được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây.

Bảo tàng Thế giới Cà phê



Bảo tàng Thế giới Cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên, với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau. Nơi đây được ví như “châu Âu thu nhỏ” ở Tây Nguyên bởi nét hiện đại hài hoà với truyền thống.

Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan qua những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm. Các hiện vật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, bài trí ngay trên lối đi, không đóng trong tủ kính, tạo cảm giác chân thực và gần gũi. Ngoài bộ sưu tập 10.000 hiện vật được đưa về từ bảo tàng Jens Burg (Hamburg - Đức), bảo tàng còn trưng bày nhiều vật dụng, công cụ sản xuất và chế biến cà phê của người Việt từ cổ chí kim.

Buôn Jun



Buôn Jun thuộc làng dân tộc người M’nông được bao bọc bởi hồ Lắk rộng lớn. Ngôi làng khá yên tĩnh nên chủ yếu thu hút những khách du lịch đang cần không gian lặng yên. Khắp làng đều san sát những ngôi nhà sàn kiên cố. Phía dưới họ thả rông những vật nuôi như lợn, gà, vịt và chó. Cây cối trong làng xanh tươi, gợi nên hình ảnh một làng quê bình dị.

Đây là nơi lưu trú yêu thích của du khách nước ngoài, nhất là khách tây ba-lô thường ghé đến ngủ lại theo dịch vụ homestay, ăn cùng với người dân tộc và tìm hiểu cuộc sống tự nhiên của dân làng.


Tổng hợp
Quảng cáo

Related Posts

Không có nhận xét nào:

© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger