5 ngọn hải đăng trên trăm tuổi của Việt Nam

Hải đăng từ một ngọn đèn biển hỗ trợ ngành hàng hải, vươn mình lên trở thành biểu tượng của sự minh triết, như nguồn sáng dẫn dắt con người. Ngoài vẻ đẹp, tuổi thọ, độ kỳ vĩ… những ngọn hải đăng trên 100 tuổi của Việt Nam dưới đây còn được khách du lịch yêu thích bởi kho kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa ẩn chứa trong nó. 

5 ngọn hải đăng trên trăm tuổi của Việt Nam

Hải đăng Vũng Tàu - Bà Rịa – Vũng Tàu (1862) 


Hải đăng Vũng Tàu - Bà Rịa – Vũng Tàu (1862)

Hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh núi Nhỏ, được xây dựng và khánh thành năm 1862. Đến năm 1913, ngọn hải đăng này được chuyển từ độ cao 149m lên vị trí hiện nay (cao khoảng 170m). Hải đăng Vũng Tàu là một tháp tròn, sơn trắng, cao 18m. Đèn ở đỉnh tháp chiếu xa 30 hải lý. Kiến trúc tháp hình trụ, sơn trắng, cao 18m, đường kính 3m, bên trong có cầu thang xoắn ốc lên gần tới đỉnh và có lối dẫn ra ban công bên ngoài để quan sát toàn cảnh non nước Vũng Tàu. 

Hải đăng Đại Lãnh - Phú Yên (1890) 


Hải đăng Đại Lãnh - Phú Yên (1890)

Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, mũi Điện. Ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1890 thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháp đèn hải đăng mũi Đại Lãnh là một khối hình trụ thon đều, màu xám, cao 26,5m đứng trên nền toà nhà cao 110m so với mặt nước biển. 

Bên trong hải đăng là cầu thang gỗ 110 bậc bóng loáng. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng (năm 1945), đến năm 1961 mới hoạt động trở lại và năm 1997 được khôi phục hoàn toàn theo kiến trúc cũ. Đây cũng là ngọn hải đăng đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam. 

Hải đăng Cù Lao Xanh - Bình Định (1890) 


Hải đăng Cù Lao Xanh - Bình Định (1890)

Hải đăng Cù Lao Xanh (Bình Định) được xây dựng năm 1890, là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc Ðông – Tây. Nó vừa mang "hơi thở” của trường phái kiến trúc Gothique, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng gồm 4 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. 

Tầng dưới cùng là bậc thang gồm 32 bậc, xây bằng gạch vồ. Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, nhưng vững chắc, kiên cố vì toàn bộ được xây bằng đá tảng lớn (tường dày hơn 1m). Hiện nay, hải đăng Cù Lao Xanh được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam. 

Hải đăng Hòn Dấu – Hải Phòng (1894) 


Hải đăng Hòn Dấu – Hải Phòng (1894)

Hải đăng Hòn Dấu gắn liền với đảo Hòn Dấu, thuộc khu Du lịch giải trí Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngọn hải đăng này là công trình do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng từ năm 1894 và hoàn thành tháng 6/1898. 

Tháp hải đăng cao 5 tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Bên trong tháp có 125 bậc thang gỗ uốn theo hình xoáy ốc. Từ trên đỉnh đón những cơn gió biển căng tràn sức sống, chúng ta sẽ thấy đất trời vô cùng tươi đẹp. 

Hải đăng Kê Gà - Bình Thuận (1897) 


Hải đăng Kê Gà - Bình Thuận (1897)

Hải đăng Kê Gà hay Khe Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Nó do người Pháp xây dựng trong thời gian từ năm 1897 – 1898. Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. 

Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng cây hoa sứ dọc theo lối đi được trồng ngay từ ngày ngọn hải đăng xây dựng, đến nay vẫn còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.


Tổng hợp.
Quảng cáo

Related Posts

Không có nhận xét nào:

© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger