Những thuật ngữ thường xuất hiện trong bữa trà chiều kiểu Anh

Nếu như beefsteak có các thuật ngữ về độ chín, vị trí thịt, thì trà chiều kiểu Anh cũng có những từ khoá về loại trà, cách pha trà mà có thể bạn chưa từng biết đến. Hãy cùng khám phá qua những thuật ngữ này trên chuyến hành trình du lịch đến nơi đây. 

Những thuật ngữ thường xuất hiện trong bữa trà chiều kiểu Anh

Trà chiều có xuất xứ từ quý tộc Anh Quốc nên hiển nhiên việc uống trà chiều cũng có nhiều nguyên tắc về cách ăn mặc, cách uống... Tuy ở thời hiện đại thì chẳng ai bắt buộc phải mang găng tay bằng ren và mặc áo corset khi uống trà chiều, nhưng vẫn có một số thuật ngữ mà nếu biết thì sẽ giúp bạn thưởng trà như một “quý tộc” thật sự. 

High tea 


High tea

Nếu đến những địa điểm “chuyên nghiệp” về trà chiều như The Villa Royale hay TWG thì trong menu sẽ có lựa chọn "High Tea". Nhiều người không rõ high tea là gì, cho rằng đây là một cái tên của set trà bánh buổi chiều nhưng điều này là sai. 

“High tea” thường chỉ những bữa tiệc trà sau giờ đi làm, nghĩa là tầm từ khoảng 5 đến 7 giờ tối. Vào lúc này thì bữa high tea đôi khi được xem như bữa tối nên có nhiều món ăn mặn hơn là chỉ bánh ngọt ăn nhẹ. Chính vì vậy mà trong các menu high tea, ta thường thấy nhiều món như sandwich gà, cá hồi hun khói hay các loại bánh mặn nhân thịt kèm với bánh ngọt. 

Afternoon tea 


Afternoon tea

Người Anh phân ra "high tea" và "afternoon tea", trong đó "afternoon tea" có nghĩa là trà chiều như cái tên của nó. Trà chiều thường được uống vào tầm 2 tới 4 giờ chiều và ăn kèm những món bánh ăn nhẹ. Mục đích sơ khai của trà chiều là để dằn bụng chờ ăn tối nên bạn sẽ thấy rằng các món ăn kèm hầu như đều rất nhỏ, bánh sandwich sẽ được cắt ra theo dạng finger food để có thể nhâm nhi chậm rãi. 

Flush 


Flush

Đôi khi, bạn sẽ thấy những từ như "first flush" và "second flush" đứng trước tên trà. Flush ở đây là chỉ thời điểm thu hoạch trà trong năm. Cùng một loại trà nhưng chỉ cần khác thời điểm thu hoạch thì sẽ cho ra hương vị khác nhau, yêu cầu pha chế cũng khác nhau. 

Ví dụ như trà Darjeeling thu hoạch vào mùa Xuân từ tháng hai đến tháng tư sẽ cho vị nhạt, dịu nhẹ. Darjeeling thu hoạch từ sau tháng tư đến cuối tháng năm đầu tháng sáu sẽ có lá to hơn, có vị mạnh hơn, đậm đà hơn. Một số nơi chuyên nghiệp như TWG ở Takashimaya sẽ hỏi trước bạn chọn loại Flush nào mỗi khi gọi trà. Nếu khẩu vị của bạn hợp với loại nhẹ thì có thể chọn First Flush và ngược lại. 

Tier 


Tier

Tier ở đây có nghĩa là “tầng”, ý chỉ tầng trong các khay bánh kiểu truyền thống mà ta hay thấy. Khay bánh này thường xuất hiện trong các bữa high tea và mỗi tầng chứa một loại thức ăn khác nhau, ăn theo thứ tự khác nhau. 

Thông thường, tier chia làm ba loại, “top tier” là tầng cao nhất, bao gồm các loại bánh ngọt. “Second tier” là tầng ở giữa, bao gồm các loại bánh mì theo mùa, phô mai và bơ. “Bottom tier” là tầng dưới cùng, chứa sandwich và các món mặn. Theo nguyên tắc uống trà Anh, bạn nên ăn các món này từ dưới lên trên. 

Scones 


Scones

Có một câu nói rằng “đó sẽ không phải là bữa tiệc trà nếu không có scones”. Scones là một loại bánh mì đặc kiểu Anh, ăn kèm với kem bơ và mứt, là món ăn phổ biến gần như luôn phải có trong các bữa tiệc trà. Tuy nhiên khi văn hoá tiệc trà du nhập sang những nước khác thì người ta không còn câu nệ nữa mà thay vào đó là nhiều loại bánh khác như cheesecake, cupcake... 

Ở các tiệm trà cổ điển một chút đều có bánh scones cho thực khách, và nếu bạn chưa thử ăn scones cùng trà thì nên thử một lần. Bạn sẽ hiểu vì sao món bánh này lại được người Anh đề cao như vậy. Thật khó để giải thích nhưng scones là bánh nhạt, có vị mặn béo nhè nhẹ của bơ rất "nịnh" vị trà nói chung và gần như không kén bất kì loại trà nào. 


Nguồn: Tổng hợp.

Quảng cáo

Related Posts
© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger