Trung Thu của các nước châu Á có gì đặc biệt ?

Không chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc, tết Trung Thu còn là ngày hội truyền thống của nhiều quốc gia Châu Á  khác với những phong tục tập quán đặc trưng vô cùng thú vị.


Nhiều người thắc mắc rằng ngoài Trung QuốcViệt Nam ra thì liệu có nước nào trên thế giới đón tết Trung thu nữa hay không? Để giải đáp thắc mắc này của các bạn, chúng tôi xin được chia sẻ một số nước trên thế giới cũng đón tết Trung thu với những phong tục tập quán vô cùng thú vị và đặc trưng của mỗi nước.

Trung Quốc



Trung Quốc được coi như cái nôi truyền thống của tết Trung thu hay còn gọi là tết đoàn viên, đây là dịp lễ rất quan trọng đối với người Trung Quốc, là dịp để mọi người cùng về nhà đoàn tụ. 

Với mỗi vùng miền khác nhau, phong tục đón tết cũng sẽ có những nét không tương đồng, nhưng điểm chung nhất của tất cả các địa phương là nhà nhà treo đèn lồng đỏ, ăn bánh nướng, thưởng trà ngắm trăng.

 Việt Nam



Do có sự giao lưu văn hóa lâu đời với Trung Quốc nên tục lệ đón tết Trung thu của người Việt cũng có nhiều điểm tương đồng với người Hoa. Đó là ăn bánh, uống trà và thưởng trăng. 


Điểm khác biệt của tết Trung thu của người Việt đó là nhà nhà bày mâm ngũ quả cúng lễ gia tiên, người lớn ăn bánh, uống trà còn trẻ em cầm đèn lồng, đèn ông sao tham gia các hoạt động múa hát, các trò chơi dân gian tại các địa phương.

Nhật Bản 



Người Nhật Bản cũng thường đón tết Trung thu hàng năm vào ngày rằm tháng tám với tên gọi là "lễ ngắm trăng". Vào những ngày này, người Nhật sẽ ăn món ăn có tên gọi là Tsukimi dango (một loại bánh nếp hình tròn). 


Người Nhật thường bày bánh này theo hình tam giác và đặt vào những nơi thoáng đãng để người ta có thể vừa ăn bánh vừa ngắm trăng. Trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ mua cho lồng đèn cá chép để rước chơi. Ở Nhật, đèn lồng cá chép tượng trưng cho sự dũng cảm.

Hàn Quốc


Hàn Quốc, Trung thu là một trong hai ngày lễ lớn nhất của đất nước này. Tên gọi của lễ này là Chuseok có nghĩa là đêm mùa thu. Lễ hội được tổ chức vào mùa thu hoạch hàng năm nên còn được coi như một ngày hội mùa. 


Vào ngày này người Hàn thường sử dụng những sản phẩm mới thu hoạch được để dâng lên tổ tiên. Trẻ em được mặc áo truyền thống cùng người ăn vui chơi và ăn bánh Trung Thu. Bánh Trung thu Hàn Quốc được gọi là Songpyeon, là loại bánh được làm từ bột gạo nếp, đậu xanh, đường và lá thông. Ở Hàn, bánh Trung thu có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt.

Triều Tiên 


Người Triều Tiên gọi tết Trung thu là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Các gia đình hấp bánh và mang biếu tặng cho nhau. Bánh có hình nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,...Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.

Đến lúc trời sập tối, họ cùng nhau vừa thưởng nguyệt, vừa tiến hành thi kéo co, vật, hoặc biểu diễn ca múa. Các cô gái trẻ mặc những chiếc trang phục đẹp lộng lẫy trong ngày lễ hội, vui vầy dưới gốc đại thụ, cùng chơi trò chơi đu dây.

 Thái Lan


Tết Trung thu ở Thái Lan còn được gọi là lễ cầu trăng. Vào ngày này, tất cả mọi người từ già trẻ gái trai đều ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện. Trên bàn thờ được bày quả đào và bánh Trung Thu. 


Người Thái tin rằng, Bát Tiên sẽ giúp họ mang những quả đào lên chúc thọ Quan Âm và thần tiên sẽ ban điều tốt lành đến cho mình. Vì vậy, bánh Trung thu ở Thái Lan cũng có hình như quả đào.

Singapore 


Phần lớn người dân Singapore đều là người gốc Hoa nên Tết Trung thu luôn được xem trọng ở đất nước này. Đối với họ, Trung thu là dịp để kết nối tình cảm, thể hiện lòng biết ơn. Tại các đường phố, các khu ven hồ, khu người Hoa đều được trang hoàng rực rỡ. Khung cảnh thậm chí còn lộng lẫy hơn vào buổi tối khi đường phố lên đèn.


Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch, thư giãn tinh thần.

Malaysia, Philippines 


Ngắm trăng, treo đèn lồng, thưởng thức bánh nướng là một tập quán truyền đời của người Hoa ở Malaysia vào dịp Trung thu. Các khu mua sắm lớn ở thủ đô Kuala Lumpur có những quầy riêng bán bánh Trung thu, quảng cáo các loại bánh cũng xuất hiện ở khắp nơi. Một số tổ chức người Hoa ở Kuala Lumpur còn tổ chức hoạt động diễu hành rước đèn lồng, múa lân, xe hoa chở “Hằng Nga”, “Tiên nữ” vô cùng náo nhiệt.

Myanmar 



Ngày rằm trung thu ở Myanmar được gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.


Nguồn: Tổng hợp
Quảng cáo

Related Posts
© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger