Tích lũy kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, rồi lại tiếp tục một hành trình mới, với sức trẻ, niềm đam mê khám phá, nghề Hướng dẫn viên (HDV) du lịch chỉ dành cho những bạn trẻ đã tự trang bị bản lĩnh, kỹ năng và sự tự tin. Một Hướng dẫn viên giỏi được ví như “đại sứ” của ngành du lịch.
Đâu dễ trở thành một “đại sứ”
Khi bước vào bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, mỗi người đều cần trang bị những kỹ năng cần thiết để sống và làm việc hiệu quả. HDV du lịch là một trong những ngành đặc thù, đòi hỏi ở người thực hiện cần có vốn kiến thức hiểu biết rộng, và hơn cả là có “tâm” với nghề.
Trong suy nghĩ của nhiều người, HDV du lịch không những được đi đó đi đây, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền, tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới, được ở khách sạn hạng sang, mà còn thỏa sức thể hiện bản thân vì luôn là tâm điểm chú ý của cả đoàn… Thế nhưng, khi đã vào nghề, nếu chỉ nhìn ánh hào quang bên ngoài thì không một HDV nào trụ được với nghề. Bởi cũng được đi đây đó, nhưng HDV phải căng mình, vận động liên tục, tập trung làm việc để du khách được thư giãn, thoải mái khi du lịch. Họ như những cánh chong chóng xoay quanh tour, đoàn khách, từ sáng lo nơi ăn chốn nghỉ cho khách, thuyết minh.
Để có thể trở thành một HDV chuyên nghiệp, chưa nói đến vốn kiến thức nghề nghiệp, mà làm HDV du lịch cần phải biết quên bản thân mình vì công việc, không ngại mưa nắng, không ngại khó, ngại khổ trên những cung đường dài. HDV du lịch trước hết phải là người phục vụ, nhưng họ cũng là những đại sứ văn hoá. Không quá khi nói rằng HDV là linh hồn của tour. Bởi khách hàng trải nghiệm dịch vụ du lịch và tiếp nhận những kiến thức văn hoá lịch sử ở mỗi vùng có trọn vẹn và hài lòng hay không đều qua tương tác trực tiếp với người HDV.
Làm không tốt sẽ tự “đào thải”
Hầu hết các HDV đi đoàn và làm việc cho các đơn vị lữ hành có thương hiệu, sau mỗi hành trình đều có phiếu đánh giá gửi cho khách để khách phản hồi về chất lượng các dịch vụ như: ăn uống, đi lại, trong đó có cả thái độ phục vụ của HDV. Chính vì vậy, để có thể tồn tại với nghề, HDV không chỉ xem khách là “thượng đế” mà cần xem khách như chính người thân của mình, để từ đó thấu hiểu và phục vụ tốt hơn. Nếu như khách có ấn tượng, có phản hồi tốt, chắc chắn mình sẽ nhận được lời mời cho những tour tiếp theo, không chỉ của một công ty mà nhiều công ty khác. Và ngược lại, HDV không tự khẳng định được chính mình có nghĩa tự “đào thải” bản thân .
Chọn công việc khá đặc thù, để có thể làm tròn vai trò của mình, hướng dẫn viên du lịch (HDV) phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh. Điều quan trọng là họ phải luôn giữ ngọn lửa đam mê và một trái tim nhiệt huyết vì nghề. Qua những chuyến đồng hành, khám phá đầy thú vị cùng du khách, niềm tự hào và tình yêu đất nước cứ thế được nhân lên, để họ lại tiếp tục với nghề mà mình đã chọn.
Hãy nói bằng tất cả trái tim mình
Thuyết minh trong du lịch là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc, thương hiệu cho một người HDV. Thuyết minh không chỉ đơn giản là truyền đạt thông tin đến với du khách, mà chứa đựng trong đó là cả một tâm hồn nghệ sỹ. Điều đó nghĩa là bạn phải nói bằng tất cả trái tim mình, thổi hồn vào mỗi câu từ trong bài thuyết minh để điểm đến thêm sinh động và hấp dẫn. Và chỉ những người yêu nghề mới có thể làm được điều này.
Thắp lửa đam mê trong công việc
Cho dù bạn có yêu công việc của mình đến mấy cũng không thể tránh khỏi những lúc mệt mỏi, ngọn lửa nhiệt huyết dường như không còn được như lúc đầu. Lòng nhiệt tình của bạn đối với công việc sẽ bị mất đi theo thời gian, công việc đôi khi lại trở thành một điều nhàm chán. Có thể nói, mỗi HDV có cách nhen nhóm ngọn lửa yêu nghề trong mình khác nhau, họ đến với nghề cũng vì nhiều lý do khác nhau. Song, lý do duy nhất để họ gắn bó với nghề là sự đam mê, niềm tự hào về công việc mình đang làm.
Thực tế cho thấy, HDV là lực lượng quan trọng để phát triển du lịch. Bởi HDV không chỉ nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khách hàng, nhận được những phản hồi chân thực nhất từ phía du khách liên quan tới hoạt động du lịch; tạo mối quan hệ từ các nguồn khách hàng khác nhau để thu hút khách hàng, mà còn truyền tải thông tin, quảng bá hình ảnh thương hiệu về du lịch cho doanh nghiệp, địa phương. Đó cũng là yêu cầu, đòi hỏi cơ bản nhất với mỗi HDV. Thế nhưng, muốn tạo dựng được thương hiệu của chính mình, điều cần nhất với mỗi HDV là tình yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết.
Quảng cáo