Du lịch - khủng hoảng nguồn nhân lực

Với sự tăng trưởng nóng vài chục phần trăm mỗi năm về lượng khách, ngành du lịch đang phải đối đầu với khủng hoảng nguồn nhân lực một cách trầm trọng. Nắm bắt được nhu cầu thực tế hiện nay, công ty VIETRAVEL đã đẩy mạnh đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch, nhấn mạnh trọng tâm là thực hành các kỹ năng và vốn ngoại ngữ. Đầu năm 2019 để thực hiện mục tiêu tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, công ty Vietravel đã mua 66% cổ phần của Công ty cổ phần Quốc tế Kent. Vietravel đã gộp trường đào tạo của công ty vào trường Cao đẳng Kent để sinh viên tiếp tục học và thực hành tại Kent cũng như tại các trường liên thông trong và ngoài nước. 


Du lịch - khủng hoảng nguồn nhân lực

Khách đông, người phục vụ ít


Vietravel là doanh nghiệp lữ hành lớn ở TPHCM. Năm ngoái, công ty đón khoảng 912.000 lượt khách và kỳ vọng sẽ đạt đến 1,1 triệu lượt trong năm nay. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, mỗi năm Vietravel cần thêm khoảng 300 nhân viên nhưng rất khó tuyển đủ.

“Số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng có ít người đáp ứng tốt các tiêu chí làm việc thực tế. Trong đó, kỹ năng ngoại ngữ của nhiều người rất yếu. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nói.

Theo số liệu của Sở Du lịch TPHCM, thành phố đang rất “khát” nhân lực lành nghề để phục vụ cho hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Trong đó, chỉ riêng lực lượng hướng dẫn viên du lịch, hiện có từ 30-45% trong số này không đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật, Hàn, Trung, Nga, tạo ra một trở ngại lớn cho thành phố trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Tuy TPHCM có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, gồm cả đại học, cao đẳng, trung cấp, Sơ cấp ... nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của thị trường. Sự căng thẳng nguồn cung lao động này dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, đặc biệt là sẽ cần thêm hàng ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch tàu biển vì dự báo lượng khách du lịch đến thành phố sẽ tiếp tục tăng cao.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng câu chuyện ở TPHCM là một trong những thực tế đang diễn ra trên thị trường lao động ngành du lịch. “Nhân lực về du lịch thiếu trầm trọng, đặc biệt là nhân lực cao cấp”, ông nói.

Ông Bình đánh giá, nguồn nhân lực cấp thấp tuy thiếu rất nhiều nhưng có thể khắc phục tạm thời bằng cách chuyển giao từ những ngành khác, còn ở bậc cao hơn cũng như ở cấp quản lý thì tìm người rất khó khăn. Doanh nghiệp khách sạn, lữ hành ra đời ngày càng nhiều làm cho khoảng cách giữa cung - cầu lao động ngày càng lớn và có tình trạng một bộ phận quản lý mới không đi lên từ những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được từ quá trình làm việc mà là được bổ nhiệm do thiếu người.

Chỉ riêng về lĩnh vực khách sạn, đội ngũ quản lý cao cấp là người Việt Nam vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ nên hiện tại phần lớn người quản lý các khách sạn, các resort từ 4-5 sao vẫn là người nước ngoài.

Giải pháp không thiếu


Từ cuối năm ngoái, đặc biệt là cuối tháng trước đến nay, chủ đề về nguồn nhân lực được đặt ra ráo riết trong các diễn đàn về phát triển du lịch, các kỳ họp của một số hiệp hội...

Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ cùng các quan chức bộ, ngành, doanh nghiệp... để phân tích thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực của du lịch nhằm có những chính sách thích hợp.

Theo Sở Du lịch TPHCM, phải có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thì mới giải được bài toán thiếu lao động. Tỷ lệ thực hành của sinh viên cần được tăng cao hơn, từ 50% thì mới có thể làm việc ngay sau khi ra trường.

Cơ quan này cũng đề cập đến việc tận dụng cơ hội tuyển dụng lao động trong cộng đồng ASEAN để thu hút lao động cho các bộ phận mà ngành du lịch đang thiếu, đặc biệt là cho các dịch vụ cao cấp như cách mà nhiều nước đã làm. Điều này cũng sẽ giúp cho lao động trong nước cọ xát với môi trường làm việc quốc tế để tích lũy kinh nghiệm.

Ông Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng ban Đào tạo của Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng lực lượng lao động ngành du lịch được đào tạo ra không ít nhưng vấn đề là sinh viên ra trường không thích nghi được với môi trường làm việc thực tế. Thêm vào đó, nhà trường chưa hiểu hết nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo ra những người có thể làm việc ngay, những lao động mà ngành du lịch đang thiếu.

“Chẳng hạn, tôi vừa tiếp xúc với cơ quan quản lý và biết rằng họ đang rất cần những người hoạch định sản phẩm, quy hoạch du lịch nhưng trong khi đó chúng tôi chỉ mới nghĩ đến các ngành như khách sạn, nhà hàng, điều hành du lịch... Nguyên nhân sâu xa là chúng ta chưa có ngành du lịch học thật sự để lấy du khách, lấy sản phẩm làm trọng tâm”, ông nói.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho biết hiệp hội khuyến khích những tập đoàn lớn đầu tư mạnh hơn cho mảng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thực tế, một vài tập đoàn lớn đã có hệ thống đào tạo riêng và không lâu nữa sẽ không những đáp ứng nhu cầu tự thân mà còn có thể cung cấp lao động cho cả ngành du lịch.

Hiệp hội cũng đang làm việc với một số trường để đưa ra các chương trình đào tạo sát với thực tế và thực hiện phương án tận dụng nguồn nhân lực dôi dư từ các ngành khác vào làm du lịch. “Du lịch rất cần người trong khi cả nước có lại khoảng 230.000 cử nhân thất nghiệp nên chúng tôi đang thực hiện ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là cần hỗ trợ để nhiều người trong số này được đào tạo nghề du lịch để làm việc”, ông nói.

Giới doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng với sự căng kéo trên thị trường lao động như hiện nay thì việc trông chờ vào khả năng cung ứng của các trường là không đủ.







Quảng cáo

Related Posts
© Copyright 2017 Du lịch chính là được sống - All Rights Reserved - Developed By Thành Nha Blogger